Những vấn đề cần hỏi về cầm đồ nhanh
Mất giấy tờ cầm đồ có chuộc tài sản đã cầm cố được không?
- Hỏi
Tôi có một vấn đề mong luật sư giải đáp: Tôi có cầm 1 điện thoại di động với giá 200.000đ , tiệm cầm đồ đã đưa tôi 1 tờ giấy, có mộc của họ.
Nhưng vài ngày sau trong lúc xếp hàng mua thuốc ở bệnh viện, tôi bị móc túi và mất luôn tờ giấy cầm đồ trong bóp, giờ tôi muốn chuộc lại điện thoại được không? Bằng cách nào ạ?
- Trả lời
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc hội.
2. Nội dung trả lời
Căn cứ Điều 327 Bộ luật dân sự năm 2005:
“Điều 327. Hình thức cầm cố tài sản
Việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính.”
Căn cứ Điều 340 Bộ luật dân sự năm 2005:
“Điều 340. Trả lại tài sản cầm cố
Khi việc cầm cố tài sản chấm dứt theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 339 của Bộ luật này thì tài sản cầm cố, giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu được trả lại cho bên cầm cố. Hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản cầm cố cũng được trả lại cho bên cầm cố, nếu không có thoả thuận khác.”
Như vậy trong trường hợp này thì do giao dịch giữa bạn và người nhận cầm cố được ký kết dưới hình thức văn bản giữa các bên nên khi bạn mất giấy tờ trên thì bạn có thể thỏa thuận với người nhận cầm cố . Nếu họ không đồng ý thì bạn có thể nộp đơn khởi kiện ra tòa kèm theo chứng cứ kiên quan tới giao dịch trên.
Điểm giống và khác nhau giữa cầm đồ và cầm cố?
- Hỏi
So sánh cầm đồ và cầm cố?
- Trả lời
1. Điểm giống nhau
Đều chỉ hành vi dùng tài sản giao cho người có quyền để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
2. Điểm khác nhau
2.1 Khái niệm
- Cầm cố là 1 biện pháp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, Điều 326 Bộ luật Dân sự 2005 đưa ra định nghĩa về cầm cố tài sản như sau: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”.
- Cầm đồ là 1 hoạt động kinh doanh có điều kiện, thuộc nhóm ngành nghề "dịch vụ hỗ trợ tài chính".
2.2 Mục đích
- Cầm cố tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ với bên có quyền. Khi lựa chọn biện pháp cầm cố tài sản, bên có nghĩa vụ với mục đích đảm bảo với bên có quyền rằng bản thân mình chắc chắn thực hiện nghĩa vụ đó, nếu không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, bên có quyền sẽ sử dụng những biện pháp được pháp luật quy định nhằm xử lý tài sản cầm cố thay cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Ngược lại, đối với bên có quyền, lựa chọn biện pháp cầm cố tài sản là để đảm bảo rằng quyền của mình sẽ được bảo đảm bằng hành vi hoặc bằng tài sản của bên có nghĩa vụ.
- Cầm đồ chỉ tên gọi một loại hình kinh doanh dịch vụ theo đó mục đích của việc cầm đồ cũng giống với cầm cố.
2.3 Đặc điểm và điều kiện thực hiện.
- Đối với hành động cầm cố tài sản
Thứ nhất, quan hệ cầm cố đòi hỏi phải có sự chuyển giao tài sản bảo đảm từ bên cầm cố sang bên nhận cầm cố quản lý trong thời hạn của hợp đồng cầm cố. Như vậy, những tài sản là vật hữu hình sẽ là đối tượng của cầm cố. Đối với Quyền tài sản hay tài sản hình thành trong tương lai phải có các giấy tờ pháp lý cụ thể để xác định quyền sở hữu của bên bảo đảm và chắc chắn nó sẽ hình thành trong tương lai sẽ trở thành đối tượng của các giao dịch bảo đảm. Do vậy, các bên có thể lựa chọn các loại tài sản này là đối tượng của biện pháp cầm cố bằng cách khi giao kết hợp đồng sẽ chuyển giao các giấy tờ liên quan và khi tài sản hình thành hay quyền tài sản được thanh toán sẽ yêu cầu bên cầm cố chuyển giao bản thân những tài sản đó cho bên nhận cầm cố.
Khi tài sản đc chuyển giao, bên nhận cầm cố sẽ giữ tài sản đó hoặc ủy quyền cho người thứ ba giữ tài sản; trường hơp ủy quyền cho người thứ ba thì bên nhận cầm cố vẫn phải chịu trách nhiệm chính trước bên cầm cố về những thiệt hại gây ra cho tài sản cầm cố.
Thứ hai, hợp đồng cầm cố là hợp đồng thực tế. Cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản đó cho bên nhận cầm cố. Do vậy, biên bản bàn giao tài sản hay việc ký kết nhận tài sản bảo đảm là căn cứ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ cầm cố.
Thứ ba, quan hệ cầm cố là 1 hình thức phát triển của quan hệ cầm cố mang tính chất chuyên nghiệp dưới dạng là 1 dịch vụ kinh doanh tiền tệ có biện pháp bảo đảm là cầm cố - được gọi là cầm đồ. Bên nhận cầm đồ phải là chủ thể có đăng kí kinh doanh dịch vụ cầm đồ, phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lãi suất cho vay, bảo quản và xử lý tài sản cầm đồ…
>> Xem thêm: Cầm đồ nhanh
- Đối với loại hình kinh doanh cầm đồ
Căn cứ theo điểm i khoản 2 Điều 6 thông tư 33/2010/TT-BCA điều kiện kinh về an ninh trặt tự đối với dịch vụ cầm đồ như sau :
"Điều 6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự
2. Trách nhiệm cụ thể đối với từng ngành, nghề kinh doanh
i) Dịch vụ cầm đồ
- Khi thực hiện dịch vụ cầm đồ chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở.
- Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ ba phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu.
- Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có.
- Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do phạm tội mà có phải thông báo ngay với cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm tra, xử lý."
Cầm xe khi chưa có sự đồng ý của chủ xe?
- Hỏi
Em có câu hỏi sau xin được giải đáp: Em năm nay 23 tuổi, anh trai em mượn xe máy của em đi chơi hơn 1 tuần sau không trả thì em mới biết là đi cầm đồ, vì cứ nghĩ là đưa cho mượn đi chơi nên em đã đưa chứng minh nhân dân và giấy tờ xe cho anh ấy lỡ trường hợp có bị công an kiểm tra giấy tờ thì không bị phạt.
Đến nay đã gần 2 tháng rồi xe e mua với giá gần 31 triệu đi được gần 2 năm, em được biết anh trai em cầm với giá 18,5 triệu và giờ tổng cả lãi sau khi thương lượng là 19,5 triệu. Hiện tại anh em không có tiền để lấy xe, em thì cố gắng lắm em cũng mượn được tiền để lấy xe nhưng mà bỏ ra ngần ấy số tiền em thấy tiếc đối với 1 chiếc xe cũ, em muốn thương lượng với chỗ cầm xe để mua lại cái xe đó (mong muốn giá thấp hơn) chứ không phải chuộc thì có cách nào để tạo sức ép cho bên cầm xe của em không? Vì em biết giao dịch cầm xe mà không có sự đồng ý của em như thế là trái pháp luật. Mong luật sư tư vấn giúp em.
- Trả lời
Cơ sở pháp lý: Bộ luật dân sự năm 2005
Điều 326 BLDS 2005 quy định: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”
Điều 327 BLDS 2005 quy định về hình thức cầm cố tài sản: “Việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính”
Như vậy, trong trường hợp này, anh trai của bạn không phải là chủ sở hữu của chiếc xe cũng không được chủ sở hữu ủy quyền hợp pháp, hơn nữa, anh trai bạn có cầm theo giấy tờ xe của bạn đi nên trong trường hợp này, chỗ cầm đồ biết chắc chắn đây không phải là xe thuộc sở hữu của anh trai bạn nhưng vẫn cầm nên giao dịch cầm cố này là trái pháp luật, sẽ không có giá trị pháp lý và được xem vô hiệu.
Điều 137 quy định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”
Theo đó, trong trường hợp này có hai hướng giải quyết như sau:
- Thứ nhất, anh sẽ nói chuyện với anh trai mình để thỏa thuận về việc trả lại 18,5 triệu đồng cho cửa hàng cầm đồ và do giao dịch dân sự này vô hiệu nên theo quy định của pháp luật thì cửa hàng cầm đồ sẽ phải trả lại xe máy cho bạn.
- Thứ hai, trong trường hợp anh không nhận được sự hợp tác từ anh trai và cửa hàng cầm đồ thì bạn có quyền làm đơn trình báo cơ quan Công an xem xét giải quyết.
Nguồn: http://camdonhanh.net/nhung-van-de-can-hoi-ve-cam-do-nhanh/56
Đăng bởi Hữu Lợi Tags: cầm đồ, cầm đồ nhanh, Dịch vụ cầm đồ, hỏi đáp về dịch vụ cầm đồ, Những vấn đề cần hỏi về cầm đồ, Những vấn đề cần hỏi về cầm đồ nhanh, Tư vấn cầm đồ