Quyết định du học Mỹ, bạn cần chuẩn bị những gì?
Đừng quên những món đồ dưới đây khi chuẩn bị du học Mỹ
Sau tâm trạng vui mừng hãnh diện khi nhận được tấm Visa từ tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ sẽ là những lo lắng, băn khoăn về việc chuẩn bị cho chuyến đi.
Hành trang chuẩn bị: Mỗi du học sinh sẽ được mang theo hai hành lý ký gửi tổng cộng 46kg cùng với một va ly và một ba lô xách tay. Như vậy tổng cộng các bạn có thể mang theo tối đa là khoảng 56-60kg, một khối lượng không ít mà cũng chẳng quá nhiều.
Hành lý ký gửi: mình không đề cập nhiều vì điều này tùy thuộc từng cá nhân với những sở thích, hoàn cảnh khác nhau. Nhưng nhìn chung thì có những thứ các bạn nên mang theo:
Quần áo: đừng quá nhiều vì phong cách của Mỹ có đôi chút khác biệt với châu Á. Họ cũng mặc áo thun quần jean hoặc quần đùi. Tuy nhiên xét về kiểu dáng, thiết kế đến chất liệu đều có sự khác biệt. Do đó đừng nên mang quá nhiều quần áo. Hơn nữa, ở Mỹ thường giặt xong là sấy nóng nên vải Việt Nam sẽ bị rút. Tốt nhất là qua Mỹ hãy mua, vừa hợp gu vừa không bị hư hỏng.
Mì gói và một số đồ ăn khô: Đây là một sự chuẩn bị cần thiết vì khi mới qua, mọi thứ còn khá lạ lẫm. Mì gói và đồ khô sẽ giải quyết chuyện ăn uống trong khoàng một tuần đầu.
Thuốc: Nên mang theo một số thuốc cảm, nhức đầu, tiêu chảy và một ít trụ sinh. Điều này rất quan trọng vì khi mới qua Mỹ, chưa có bảo hiểm, chưa quen khu vực sinh sống. Nếu có bị gì thì khó xoay sở kịp. Thêm nữa thuốc ở Mỹ rất mắc. Muốn mua phải có toa thuốc của bác sỹ chứ không chạy ra tiệm thuốc mua như Việt Nam được.
Một số đồ cá nhân: máy tính, kim từ điển, laptop (nếu có sẵn thì nên mang theo, không thì để qua Mỹ mua sẽ rẻ hơn), đồ chuyển đổi giữa điện 220v (hai chấu) và 110v (ba chấu). Nếu ai dùng kính thuốc thì nên làm sẵn ít nhất hai cái vì bên Mỹ gọng kính rất rẻ nhưng tiền làm tròng kính và khám mắt thì rất mắc.
Phần trọng lượng dư còn lại tùy các bạn, cần gì và có sẵn gì thì cứ mang theo, đỡ tốn tiền mua. Nếu muốn sử dụng đồ mới thì không nên mua ở Việt Nam. Sản phẩm bên Mỹ xài điện 110v ba chấu và rẻ hơn, tốt hơn nhiều.
Bên cạnh những thứ cần mang thì có những thứ không được mang theo: thịt động vật đi trên cạn và bay trên trời. Chỉ có những thịt động vật bơi dưới nước (tôm cá mực khô) được mang theo. Đồ ăn dọc đường cũng vậy, nếu bạn mang theo xôi, cơm hay bánh mỳ thì nên giài quyết trước khi xuống sân bay Mỹ vì sẽ không được phép vào Mỹ.
Nếu bạn mang theo mì gói hay hủ tiếu gói thì hãy chọn mua những sản phẩm có bao bì hình con cua, tôm. Đừng chọn hình hay chữ quảng cáo liên quan đến thịt. Đó là kinh nghiệm xương máu của mình khi đi qua Mỹ. Hành lý bị giữ lại kiểm tra ở Chicago nên sau khi tới Oklahoma gần một tuần mới nhận lại được.
Chuyện bị thất lạc hành lý là chuyện như cơm bữa ở Mỹ. Do đó, va ly xách tay là tối cần thiết trong những trường hợp như vậy. Trong valy xách tay nên có một hoặc hai bộ quần áo, đồ dùng cá nhân như bàn chải, một ít mì gói, thuốc và những thứ quan trọng khác.
Đối với ba lô thì bạn sẽ mang theo những vật dụng có giá trị cùng hai thứ vô cùng quan trọng: Giấy tờ và tiền bạc.
Giấy tờ: theo kinh nghiệm của mình, mang theo tất cả những gì liên quan tới nhân thân cá nhân và lưu lại một bản sao y hệt như vậy ở Việt Nam cho gia đình. Những giấy tờ bằng tiếng Việt nên đi dịch sang tiếng Anh và công chứng.
Hộ chiếu, visa và I-94: Đây là bộ giấy tờ sẽ dính liền đến nhau và có giá trị quyết định đến việc bạn được hợp pháp ra vào nước Mỹ trong suốt một năm đầu kể từ ngày được cấp visa.
I-94 là giấy tờ nhập cảnh bạn khai trên máy bay trước khi bước chân lên đất Mỹ và do nhân viên an ninh hàng không tại sân bay đầu tiên ở Mỹ bạn bước xuống đóng dấu và xác nhận. I-94 cực kỳ quan trọng.
Visa dù có ghi là một năm nhưng đó là thời gian bạn được phép ở Mỹ thôi. Còn lưu trú bao lâu là do I-94 quyết định. Trên I-94 sẽ cho biết thời gian bạn được ở lại Mỹ (thường là bằng với thời gian trên Visa, có khi ít hơn). Tuy nhiên sẽ có thêm một dòng đó là F1 D/S (F1 Duration Status), có nghĩa là khi hết thời gian trên I-94, bạn sẽ không bị trục xuất nếu bạn còn giữ được tình trạng Visa F1 (phụ thuộc I-20).
I-20: Sau khi Visa hết hạn thì I-20 sẽ là tấm giấy thông hành cho bạn tiếp tục ở lại Mỹ. Điều quan trọng để làm được điều này là duy trì I-20 có hiệu lực (F1 status còn hiệu lực). Khi đó bạn sẽ được ở Mỹ hợp pháp miễn là không rời nước Mỹ dưới mọi hình thức.
Giấy khai sinh, khám sức khỏe, chứng minh nhân dân, giấy nhập học, v.v. Những giấy tờ này không nhất thiết là bản chính (ngoại trừ khám sức khỏe bằng tiếng anh) mà chỉ cần sao y, có dịch sang tiếng Anh và công chứng. Những loại này cũng quan trọng không kém vì khi ở cửa khầu sân bay, nhân viên an ninh có thể yêu cầu bạn xuất trình cho họ xem (đặc biệt là giấy khám sức khỏe).
Bộ giấy tờ Passport, Visa, I-94, I-20 nên được để chung với nhau vì chúng sẽ liên tục được yêu cầu xuất trình trong suốt chặng đường bay của bạn.
Tiền bạc: theo quy định của nhà nước Việt Nam thì công dân Việt Nam khi xuất cảnh có thể mang theo tối đa là 5000 đô la Mỹ. Nên để tiền chung một chỗ, đừng chia nhỏ ra. Công nghệ an ninh ở sân bay rất cao, do đó họ chỉ cần soi qua độ dày xấp tiền là biết được bạn mang theo bao nhiêu. Đừng chia nhỏ vì sẽ khiến họ không chắc được số lượng và bạn sẽ bị giữ lại để kiểm tra riêng, rất phiền phức. Bên cạnh đó, trước khi đi nên đổi khoảng 100 đô là sang tiền lẻ mệnh giá 1 hoặc năm đô la đề dùng dọc đường.
Bên cạnh việc chuẩn bị đồ dùng, hành lý, các bạn cũng nên chuẩn bị để đối phó với những tình huống có thể gặp phải trên đường đi. Những tình huống hay gặp nhất:
1. Bị yêu cầu kiểm tra hành lý sau khi đi qua máy quét anh ninh sân bay: Điều này là hoàn toàn bình thường và không nên lo lắng nhiều. Bạn nên bình tĩnh, làm theo yêu cầu của nhân viên an ninh. Thông thường họ sẽ trực tiếp mở hành lý của bạn. Họ không xóc tung hành lý lên, máy soi đã chỉ chính xác vị trí vật dụng khả nghi của bạn. Do đó, hành lý xách tay phải do chính bạn sắp xếp để bạn biết được trong va ly của mình có gì và trả lời câu hỏi của nhân viên an ninh. Điều quan trọng là bình tĩnh và tự tin.
2. Thất lạc hành lý ký gửi: Lại một điều rất ư bình thường ở hệ thống sân bay Mỹ. Việc bạn cần làm đó là đi tới khu vực "Lost and Found" (Thất lạc và tìm thấy) ở sân bay. Làm theo những yêu cầu của họ để mô tả hành lý và cung cấp thông tin cá nhân. Khoảng một tuần sau hành lý sẽ được gửi trả lại cho bạn (hoàn toàn miễn phí).
3. Không tìm được cổng để thực hiện check-in chuyến bay kế tiếp hay bị lạc đường: Sân bay ở Mỹ khá lớn nhưng bạn chỉ cẩn để ý thông tin trên vé máy bay. Nhìn những bảng chỉ dẫn là có thể dễ dàng tìm được đường đi. Nếu không chắc thì không nên tự ý đi, hãy hỏi bất kỳ nhân viên sân bay nào (thậm chí là cả nhân viên lau dọn vệ sinh), họ sẽ vui vẻ chỉ cho bạn, nếu cần, họ sẽ trực tiếp dẫn bạn đi. Một điều hữu ích khi hỏi những nhân viên này là khi bạn gần trễ chuyến bay, họ có thể thông báo cho bộ phận bay chờ bạn thêm một chút.
Nhìn chung, nếu cần bất kỳ sự trợ giúp nào thì hãy mạnh dạn hỏi nhân viên sân bay. Họ được huấn luyện và được trả lương để trợ giúp bạn. Một điều quan trọng nữa là đừng nói chuyện với người lạ, đừng giữ đồ hay nhờ người lạ giữ đồ. Luôn để mắt đến hành lý và an toàn chính mình. Đừng để chuyện xảy ra rồi mới giải quyết. Bạn nên nhớ là bạn đang ở nơi xứ người, và thời gian là điều quý nhất.
Mọi sự chắc chắn không đơn giản nhưng không cũng không quá khó khăn để chuẩn bị chu đáo. Điều quan trọng nhất trong suốt chuyến bay là bình tĩnh và một chút nhạy bén.
Hy vọng với bài viết này sẽ giúp một phần nào cho những bạn đang chuẩn bị đi du học Mỹ.
>> Xem thêm: Dịch vụ Việt Mỹ
Du học Mỹ: cảnh giác với những trường đại học giả mạo
Những trường đại học giả mạo được xem như “xưởng sản xuất bằng tốt nghiệp” tại Mỹ và chúng thường có những cái tên rất nổi bật để thu hút sự chú ý của sinh viên, đặc biệt là các du học sinh quốc tế. Những từ như “State” (Bang) hay được lựa chọn khi đặt tên trường, điều này làm rất nhiều các bạn du học sinh hiểu nhầm đây là các trường đại học cấp liên bang hay có uy tín cao. Sinh viên quốc tế đôi khi rất khó có thể phát hiện những kẻ giả mạo này do họ có thể không đủ các nguồn thông tin đáng tin cậy để kiểm tra. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ đưa ra một số đặc điểm của các trường học "lừa đảo" và cách thức giúp bạn kiểm tra sự thật.
Cách thức hoạt động của trường
Khi bạn nhận được một email, hoặc nhìn thấy một bài viết từ một người bạn trên phương tiện truyền thông xã hội về một trường đại học, về sự tuyệt vời và những cơ sở hạ tầng hiện đại, tân tiến cũng như trường đó đang cung cấp các chương trình học mà rất nhiều sinh viên quốc tế đang tìm kiếm; và khi bạn tìm hiểu các yêu cầu đầu vào thì thấy rất đơn giản và trước khi bạn kịp nhận ra có điều gì bất ổn thì tiền đã được gửi đi với hy vọng rằng giấc mơ đại học trở thành sự thật. Luôn có khả các khả năng xảy ra như tiền của bạn biến mất và các trường đại học đó cũng biến mất khỏi Internet, hoặc tệ hơn, khi các bạn du học sinh đã bước chân tới Mỹ mới phát hiện ra rằng ở đó không có trường đại học, không có nơi để sống và không có chương trình học nào cả. Bạn có thể đã được cấp thị thực để sang Mỹ, nhưng trong những tình huống thế này bạn đang có nguy cơ bị trục xuất và cấm đến Mỹ trong 5 năm. Hãy cảnh giác khi nhận được những thông tin quá dễ dãi, quá tuyệt vời hay quá đơn giản để đăng ký học từ Internet hay các trung tâm tư vấn.
Thực tế
Ngành công nghiệp điện ảnh ở Mỹ không còn quá xa lạ về việc đảo lộn các quy tắc để tạo ra một bộ phim bom tấn. Với những bộ phim như “Accepted” (chấp nhận - cũng đã được làm lại ở Ấn Độ) nói về sinh viên Mỹ bị trục xuất khỏi các trường đại học đã tự tạo ra những trường đại học của riêng mình để theo học. Có thể chỉ là môt bộ phim giải trí trên màn hình nhưng có ảnh hưởng nghiêm trọng nếu một số du học sinh cố gắng thực hiện điều này trong thế giới thực. Janice Jacobs, thư ký trợ lý lãnh sự Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh "một trường đại học giả mạo có trụ sở tại California đã thực hiện các chương trình học vào mùa xuân năm ngoái và đã nhận ghi danh của hơn 1.500 sinh viên Ấn Độ và kích hoạt chấp nhận visa của họ đến Mỹ mặc dù trên thực tế họ không học ở đó hay thậm chí không sống gần đó. "Trong năm 2011, các lãnh sự của Chính phủ Mỹ đã cung cấp 910.000 visa cho các chương trình trao đổi sinh viên và du học dưới dạng đào tạo thực tế... và hơn 81% người nộp đơn trong những hạng mục nói trên đã nhận được thị thực, nhiều người trong số họ thậm chí đã nhận được visa trong vòng một vài ngày".
Bạn nên tìm hiểu những gì
Có rất nhiều thông tin bạn có thể chứng thực tường đại học đó có phải thật không như:
Các chương trình học của các đại học thường không bao giờ bắt bạn phải trả toàn bộ tiền học phí trước khi đăng ký học, học phí có thể được đóng cho từng học kỳ (semester), sau khi đã được nhận vào trường.
Địa chỉ của trường Cao đẳng hoặc Đại học không bao giờ có số hộp bưu thư (PO - Post office box). Và bạn nhất định có thể dễ dàng tìm thấy địa chỉ cụ thể của trường trên trang web của họ.
Chắc chắn các trường đại học và cao đẳng phải có chứng nhận của bộ giáo dục Mỹ. Bạn có thể kiểm tra với EducationUSA để xác nhận nếu bạn có bất cứ nghi ngờ gì.
So sánh các với các trường đại học trên cùng địa bàn hay trường đại học có uy tín để xem xét về các khóa học, thời gian học xem có quá ngắn hơn so với bình thường không, hay về chi phí học, bạn nên đặt câu hỏi nếu nó quá rẻ (quá rẻ so với mức chi phí trung bình trên toàn quốc).
Sinh viên quốc tế sẽ được yêu cầu cung cấp kết quả kỳ thi speaking ( Kỹ năng nói) tiếng Anh, và hồ sơ học tập trước đây của bạn, nếu các trường đại học hoặc cao đẳng không yêu cầu thông tin này, hãy kiểm tra với EducationUSA để được cảnh báo những tình huống có thể là lừa đảo.
Tóm lại: Luôn luôn kiểm tra với EducationUSA và Bộ Giáo Dục Mỹ nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào về bất kỳ trường cao đẳng hoặc đại học nào của Mỹ.
Nguồn: http://dichvuvietmy.com/quyet-dinh-du-hoc-my-ban-can-chuan-bi-nhung-gi/34896
Đăng bởi Võ Thiện By Tags: dịch vụ việt mỹ, du học mỹ, mỹ, mỳ gói, thuốc, đại học